Giới thiệu về lịch sử phát triển

09:51 29/12/2021

         Dầu Tiếng là một địa danh đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của cả nước. Tên Dầu Tiếng (theo những người lớn tuổi giải thích) , là do ở đây trong những năm đầu thế  kỷ  XX, có một cây dầu rất lớn từ trên thượng nguồn trôi dạt về và vướng lại ở khu vực Cầu Tàu hiện nay, lúc đó người dân có thể đi lại trên chiếc cầu bằng cây dầu ấy để qua sông Sài Gòn, lâu dần cây bị mục và đến trận lụt lớn năm 1952 thì bị trôi đi mất.

      Trong quá trình hình thành và phát triển, Dầu Tiếng trở thành  một trong những lá cờ đầu của phong trào công nhân cả nước nói chung và phong trào công nhân cao su nói riêng.

       Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Dầu Tiếng vẫn thể hiện được tính cách mạng và xung kích của mình trên nhiều mặt trận, rất xứng đáng được Bác Hồ nêu tên trong bài Thơ chúc mừng năm mới, xuân 1966.

Mừng miền Nam rực rỡ chiến công

Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plâyme, Đà nẵng

       Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân Dầu Tiếng cũng đã lập rất nhiều thành tích trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa địa phương.

       Chính vì cái tên Dầu Tiếng đã gắn liền với quá trình phát triển của địa phương, là niềm tự hào của nhân dân trong vùng, niềm tự hào của các thế hệ thầy cô giáo và học sinh,  mặc dù có rất nhiều ý kiến đề nghị lấy tên các nhân vật lịch sử hay danh nhân đặt tên cho trường  nhưng vẫn không có một sự lựa chọn nào có ý nghĩa bằng hai chữ “Dầu Tiếng”. Thế cho nên, trải qua nhiều năm tháng, ngôi trường thân yêu này vẫn mãi gắn bó với cái tên đáng tự hào ấy: Trường THPT Dầu Tiếng.

       Trường được thành lập năm 1970 lúc đầu có tên là Trường Trung học Tỉnh hạt Trị Tâm. Đến năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, trường được mang tên Dầu Tiếng cho đến hôm nay.

     Trường hiện nay tọa lạc tại khu phố 4B thưộc thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Trường hiện nay có 25 lớp, hơn 800 hoc sinh với 70 cán bộ, giáo viên, nhân viên(số liệu năm học 2021-2022). Trường thực hiện nhiệm vụ thu nhận và giáo dục các học sinh ở một số xã trong địa bàn của huyện Dầu Tiếng và một số ít học sinh của xã Bến Củi thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

          II. CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN

       Qua 51 năm hình thành và phát triển, với sự đóng góp công sức giảng dạy của nhiều thế hệ giáo viên, tham gia học tập của nhiều thế hệ học sinh, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của các cơ quan kinh tế đóng trên địa bàn và phụ huynh học sinh, Trường PTTH Dầu Tiếng đã gặt hái được nhiều thành tích và được công nhận là đơn vị nhiều năm tiến tiến xuất sắc. Những kết quả đó đã được trải qua những giai đoạn phát triển như sau:

Giai đoạn 1: Từ khi thành lập cho đến năm 1975.

       Năm 1970 Trường Trung học Tỉnh hạt Trị Tâm được thành lập. Lúc khai giảng năm học đầu tiên chỉ có bốn lớp gồm hai lớp 6 và hai lớp 7 (khi ấy gọi là Đệ thất và Đệ lục) với số học sinh hơn 170 em.

       Trường gồm có bốn phòng học và một phòng dùng làm văn phòng. Do tình hình chiến sự diễn ra ác liệt và thường xuyên trên địa bàn khu vực, nên việc giảng dạy và học tập rất khó khăn, sỉ số học sinh cũng như quy mô lớp học phát triển chậm.

       Trong thời kỳ này, học sinh chỉ học văn hóa. Ngoài việc học văn hóa, trường không có hoạt động nào khác. Vì vậy, việc giáo dục ngoài văn hóa phụ thuộc vào việc giáo dục của gia đình. Học sinh thiếu các hoạt động vui chơi giải trí, hầu hết học sinh ngoài giờ học phải phụ giúp gia đình làm kinh tế nên chất lượng học tập không cao, chủ yếu phụ thuộc vào nỗ lực của từng cá nhân và sự quan tâm chăm sóc của gia đình.Trường hoạt động được gần năm năm, đến ngày 13/03/1975, Dầu Tiếng được giải phóng, việc giảng dạy và học tập tạm thời kết thúc và cho đến thời điểm này Trường đã có bảy lớp, lớp cao nhất là lớp Đệ Nhị (lớp 11).

Giai đoạn 2: Từ năm 1975 đến nay.

         Thời kì 10 năm khôi phục và phát triển (1975-1985)

       Sau ngày giải phóng, mọi tầng lớp nhân dân bắt tay vào việc khôi phục mọi mặt của cuộc sống ở địa phương, trong đó có việc khôi phục việc giáo dục thế hệ trẻ. Trường cũ đã bị đổ nát, vì vậy chính quyền địa phương đã cấp tốc xây dựng 5 phòng học tạm ở trường Tiểu học cũ và chuyển trường Trung học về sử dụng cơ sở chung. Dù có rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nhiệt tình của Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên mới về trường sau ngày giải phóng, trường cũng đã được khai giảng được chín lớp với hơn 400 học sinh, lớp cao nhất là lớp 10. Trong thời kì này, theo chủ trương của ngành Giáo dục, mỗi tỉnh phải xây dựng một mô hình Trường vừa học vừa làm nhằm kết hợp việc giáo dục văn hóa với việc giáo dục lao động cho học sinh. Lãnh đạo Ty Giáo dục đã quyết định thành lập và chuyển đổi trường thành trường Phổ thông cấp 3 vừa học vừa làm vào đầu năm học 1976-1977. Đến năm học 1982-1983 trường  không còn mang tên vừa học vừa làm như trước nữa mà chỉ  là trường cấp 3 Dầu Tiếng.

         Thời kỳ 10 năm thực hiện đổi mới (1986-1996).

          Năm học 1986-1987, cả nước diễn ra  một sự kiện chính trị vô cùng to lớn, Đại hội Đảng toàn quốc đã thông qua đường lối đổi mới hoạt động của Đảng, từ đó các ngành các cấp đều xác định phương hướng hoạt động phù hợp với tình hình. Ngành giáo dục tỉnh Sông Bé cũng đã vận dụng Nghị quyết của Đảng vào hoạt động của mình. Với mục đích mở rộng xã hội hóa giáo dục, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ giáo viên lên một tầm cao mới,với phương châm “Trường cho ra trường”,“Phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo trong giảng dạy và học tập”… Trong bối cảnh đó, trường cấp 3 Dầu Tiếng cũng từng bước đổi mới cách dạy và học và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

         Một nhiệm vụ khá quan trọng trong năm học này là sự chuẩn bị bước đầu cho việc xã hội hóa giáo dục bằng cách thành lập các lớp bán công trong trường công lập, thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Năm học 1988-1989 là năm đầu tiên trường tổ chức lớp 10 bán công học chung với học sinh công lập.

         Ngoài những nhiệm vụ chính là giảng dạy và học tập, trường đã tăng cường công tác giáo dục lao động và hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài những hoạt động lao động vệ sinh trường lớp và môi trường,trường đã kết hợp với Công ty cao su Dầu Tiếng đưa học sinh lao động tại các nông trường trong địa bàn của công ty. Những hoạt động này giúp học sinh có những định hướng nghề nghiệp theo nhu cầu tại địa phương.

       Sau một thời gian tách cấp 2, năm học 1987-1988, trường lại nhập chung cấp 2 vào,mặc dù số học sinh tăng nhanh và đột ngột, nhưng tập thể Ban Giám hiệu và giáo viên của trường đã nhanh chóng ổn định công việc giảng dạy và học tập đi vào nền nếp, số học sinh đạt khá giỏi luôn chiếm tỷ lệ trên 30%, số học sinh tốt nghiệp THPT luôn ở tốp cao trong các trường của tỉnh.

       Nhìn lại 10 năm đổi mới, từ một trường nhỏ, cơ sở vật chất thiếu thốn, các hoạt động còn chừng mực, trường PTTH Dầu Tiếng đã từng bước vươn lên từ trường khá trở thành trường tiên tiến (kể từ năm học 1991-1992, theo đánh giá của Sở Giáo dục Sông Bé).

          Thời kỳ từ khi tái lập tỉnh Bình Dương cho đến nay (1996-nay)

          Cuối năm 1996, một sự kiện chính trị nổi bật của tỉnh có ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các ngành trong tỉnh. Đó là việc chia tỉnh Sông Bé ra làm hai tỉnh, Bình Dương và Bình Phước. Trường  PTTH Dầu Tiếng nằm trong địa bàn của tỉnh Bình Dương. Việc tách tỉnh và sự thay đổi cơ cấu nhân sự cũng như sách lược giáo dục của tỉnh cũng có ảnh hưởng đến hoạt động của từng trường. Trong tình hình đó, phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, trường PTTH Dầu Tiếng tiếp tục đổi mới những hoạt động của mình trên nhiều phương diện.

           Theo chủt rương mới của ngành, trong giai đoạn này, trường PTTH Dầu Tiếng được tách ra làm hai trường, trường cấp 2-3 Dầu Tiếng và trường cấp 2-3 bán công Định Thành. Đến năm 2005, thực hiện chủ trương xóa trường bán công trong tỉnh, trường THPT Dầu Tiếng nhận số học sinh cấp 3 bán công Định Thành về trường, số học sinh cấp 2 của trường được chuyển tất cả vào trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường trở thành trường THPT Dầu Tiếng cho đến nay.

       Qua quá trình từ thành lập đến nay, nhất là trong giai đoạn phát triển từ sau năm 1990, trường PTTH Dầu Tiếng đã phấn đấu vươn lên về mọi mặt, dù trong điều kiện trường ở xa, lực lượng giáo viên luôn luôn thiếu và khởi đầu là yếu. Đến nay, trường đã từng bước tiến lên, đạt danh hiệu trường tiên tiến rồi tiên tiến xuất sắc và một vinh dự lớn cho tập thể giáo viên nhà trường là trong năm học 2000-2001, trường được nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.

III. KẾT - LUẬN

       Nhìn lại chặng đường phấn đấu hơn 40 nămqua, có những lúc trường gặt hái được những thành công đáng khích lệ nhưng cũng có những lúc gặp phải khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, tập thể giáoviên của trường đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc đó là:

        Trường đã xây dựng được một tập thể đoàn kết nhất trí và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa công tác quản lý của Ban giám hiệu với các hoạt động đoàn thể trong trường, các đoàn thể luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Ban Giám hiệu, có mối quan hệ gắn bó giữa những giáo viên cũ đi trước với những giáo viên mới vào nghề, người cũ giúp đỡ người mới và đều có tinh thần cầu thịđể cùng nhau tiến bộ, có những biện pháp hữu hiệu trong quản lý chuyên môn, quản lý và giáo dục đạo đức cho học sinh với phương châm, tích cực phòng ngừa là chính, vì vậy đã hạn chế tối đa những tiêu cực trong học sinh trước sự xâm nhập của các thói hư tật xấu từ ngoài xã hội.

         Trường đã tạo được mối quan hệ gắn bó sâu sắc với chính quyền địa phương, với các cơ quan kinh tế ở địa phương nên đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình, từ vật chất đến tinh thần cho sự nghiệp giáo dục.

       Tham mưu cho Hội cha mẹ học sinh trong việc thực hiện vận động các lực lượng trong địa phương quan tâm đến việc giáo dục học sinh trong thời gian ngoài nhà trường, thắt chặt mối quan hệ với nhà trường qua những thông tin hữu ích về giáo dục, đồng thời hỗ trợ cho trường rất nhiều mặt mang lại thành công cho trường như hiện nay.

Trần Văn Hàn


Tin khác